‘Chợ’ thực phẩm sạch nhộn nhịp nơi công sở

Gần tháng nay, chị Nhung hầu như không đi chợ hay siêu thị mua đồ ăn. Thịt, hải sản, rau… chị đều mua của bạn bè, đồng nghiệp qua Facebook và được giao tới chỗ làm. 

“Mua thực phẩm từ các nguồn này mình toàn đồ sạch, ngon, lại không phải mặc cả, mất thời gian ra chợ, giá cả thì chỉ nhỉnh hơn chút”, chị Nhung chia sẻ. Các mối cung cấp thực phẩm cho chị hiện tại đều là bạn thân hay người quen. Người mang gạo tới mỗi tháng một lần là cô bạn học chung đại học quê Nam Định; rau chị lấy của một đồng nghiệp có người yêu là kỹ sư nông nghiệp chuyên trồng rau sạch; tôm, cá… đặt từ cô bạn hồi cấp 3 lấy chồng miền biển. 

Theo chị Nhung, trong công ty chị như một cái “chợ” đồ ăn sạch. “Có người mang cà chua do mẹ trồng ở quê tới, chị khác xách giò gia đình tự làm, cô thì bê cả tải mì chũ do người nhà sản xuất, rồi người thì ôm mấy túi nấm cũng từ nhà người quen, cả hoa quả… Người bán đôi khi cũng là người mua”, chị kể.

mut-dua-6936-1422675228.jpg
Một nam nhân viên văn phòng rao bán mứt dừa trên Facebook. Hàng do tự tay vợ anh làm. Ảnh:  TT.

Lo lắng về tình trạng thực phẩm chứa chất bảo quản, chất độc hại tràn lan trên thị trường hiện nay, nhiều người có xu hướng mua sản phẩm từ nơi có nguồn gốc rõ ràng, của người đáng tin cậy, thân quen. Vì thế, gần đây tại các công sở xuất hiện xu hướng mua – bán đồ thực phẩm sạch qua bạn bè, người quen.

Chị Bích Hà, biên tập viên một nhà xuất bản ở Đống Đa, Hà Nội, cho hay, mọi người cơ quan chị còn góp tiền mua hai chiếc tủ lạnh phục vụ việc trữ đồ ăn được giao tới khi chưa kịp mang về nhà ngay. Mặt hàng mọi người hay mua nhất là thủy sản và rau. “Mỗi tuần, mấy chị em cùng cơ quan lại đặt hàng hai lần, từ mối quen là đồng nghiệp cũ. Người nhà bạn ấy ở Thanh Hóa, trực tiếp thu mua đồ của ngư dân đi biển mang về nên hàng luôn tươi ngon, không sợ bị tẩm hóa chất”, chị Hà nói.

Theo chị, hiện “chợ” công sở còn xôm tụ hơn với các món đồ ăn dành cho dịp Tết như bánh, mứt, giò… “Mình đã đặt 2 kg mứt dừa do chính tay vợ anh bạn thân làm. Giò bê, bánh chưng cũng lấy từ gia đình một đồng nghiệp. Ngoài ra, cô nhân viên lễ tân của cơ quan là người Bắc Cạn bán các đặc sản ở quê như nấm hương, mộc nhĩ, măng khô nên mình cũng lấy luôn tại đó”, chị Hà nói.

Tính thích nấu nướng, lại khá khéo tay, gần một năm nay chị Xuân, nhân viên một công ty xây dựng tại Cầu Giấy, Hà Nội, có thêm nghề tay trái là bán một số món ăn sẵn tự làm như cá kho niêu, mắm tép chưng thịt, chả cốm, chả cá… cho bạn bè, đồng nghiệp. Ban đầu, mỗi lần làm món gì ngon, chị chụp ảnh khoe trên Facebook. Một số người bạn thích quá nhờ chị dạy cách làm hoặc muốn… ăn ké. Thỉnh thoảng chị mang tới cơ quan mời mọi người cùng ăn. Sau đó, một số đồng nghiệp khen ngon, rồi động viên chị làm nhiều để bán. “Cứ thế, người nọ giới thiệu người kia, bây giờ thi thoảng đông người đặt đồ ăn, một mình làm không xuể”, chị Xuân nói.

Theo chị, lý do quan trọng khiến các món tủ của chị hút khách không chỉ vì hương vị thơm ngon mà còn bởi chị lựa chọn nguyên liệu tươi, chế biến đảm bảo vệ sinh như làm cho chính gia đình mình sử dụng.

ngoc-ha-6074-1422675228.jpg
Thủy sản sạch được chị Ngọc Hà giới thiệu với bạn bè, đồng nghiệp. Ảnh: Ngọc Hà.

Chị Nguyễn Ngọc Hà, vốn là một phóng viên mảng văn hóa, chia sẻ gần một năm nay Facebook trở thành kênh đặc biệt giúp chị giới thiệu và bán các mặt hàng thực phẩm tới bạn bè, đồng nghiệp, người quen.

Cái duyên bán hàng của chị cũng khá tình cờ. Chị có người nhà sống ở vùng núi Tây Bắc, gần các bản làng đồng bào dân tộc vùng cao Thái Nguyên, Lạng Sơn. Trước đây nhiều lần lên chơi, chị đi chợ phiên của họ (diễn ra 5 ngày một lần theo truyền thống) mua được rất nhiều thịt, gia cầm, nông sản ngon và sạch. Được chăn nuôi theo kiểu dân dã nên lợn, gà, trâu, bò… chất lượng thịt tốt, thơm ngon, không hôi như lợn công nghiệp nuôi siêu nạc hay kích thích tăng trưởng như ở Hà Nội. Chị nhờ người nhà mua thịt hàng tuần gửi về Hà Nội để gia đình ăn, sau đó bạn bè đồng nghiệp biết thì nhờ mua cùng, người nọ mách người kia nên cứ mua chung ngày một nhiều hơn. Dần dần thấy nhu cầu cao, chị quyết định cung cấp thường xuyên các sản phẩm này.

Ban đầu, khách hàng của chị chủ yếu là bạn bè thân, đồng nghiệp cũ, mới. Dần dần, thấy các món hàng chị bán đều “ngon – sạch – giá hợp lý”, nhóm khách nhỏ này trở thành khách hàng trung thành và giới thiệu cho những người khác.

Trước khi trở thành người bán, chị Hà tự nhận mình là một “con nghiện mua sắm online”, trong đó mua thực phẩm chiếm phần lớn, nhất là thời gian chị còn làm việc văn phòng, không có điều kiện đi chợ hay nấu nướng nhiều. Đa số bạn bè, người quen của chị bán thực phẩm trên mạng đều là nghề tay trái. Họ mang những sản phẩm địa phương, vùng miền từ quê mình lên Hà Nội bán là chính, một số người thì nấu món ăn sẵn.

Chị cho rằng, mua theo cách này rất tiện và đa phần có được đồ ngon vì bạn bè là một kênh lọc sản phẩm và lấy uy tín cá nhân ra đảm bảo. “Tất nhiên không phải bạn bè nào bán gì mình cũng mua vì còn liên quan đến khẩu vị, sở thích và yếu tố quan trọng khác là cảm giác tin cậy xuất phát từ những điều mình biết về cá nhân người bán”, chị Hà chia sẻ.

//