HÓA CHẤT TIỀM ẨN TRONG TỪNG MÓN ĂN

HÓA CHẤT TIỀM ẨN TRONG TỪNG MÓN ĂN

    Để “bắt mắt” thực khách, không ít quán ăn, nhà hàng phải “gọt dũa” những thực phẩm như ngó sen, rau củ, chân gà, giá sống, dừa tươi và các loại hải sản… bằng những hóa chất tẩy trắng công nghiệp độc hại.

   Nạn rau củ và các loại hải sản “ngậm” chất tẩy trắng rộ lên nhiều năm nay nhưng ít ai biết được nguồn gốc của chất tẩy trắng là những Hóa chất công nghiệp vô cùng độc hại.

   Trong một nghiên cứu mới đây của Trung tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm TP HCM cho thấy: Có đến 80% các mẫu ngó sen, rau muống, chân gà, nấm tuyết, su hào… và nhiều mẫu hải sản lấy ở các chợ, quán ăn đều ngậm chất tẩy trắng làhóa chất công nghiệp trước khi chế biến thành phẩm.

   Theo thạc sĩ Phùng Văn Trung – Viện Công nghệ hóa học TP HCM thì các chất tẩy trắng được người kinh doanh lạm dụng làhóa chất công nghiệp cấm sử dụng trong thực phẩm bởi nó gây ra những hậu quả khôn lường cho sức khỏe con người.

“Các hóa chất như Hydrogen Peroxide, Magnesium Sunlfate hay Sulfur Dioxide và Psychotrine… đều là những hóa chất công nghiệp mà người kinh doanh sử dụng nhiều nhất bởi những tác dụng tức thì của nó”- Thạc sĩ Trung cho biết.

   Theo thạc sĩ Trung, chất Hydrogen Peroxide là hóa chất được chỉ định dùng trong lĩnh vực y tế như làm sạch vết thương và sát khuẩn. Đây là một chất oxy hoá cực mạnh, nó còn được điều chế trong thành phần thuốc nhuộm tóc hay chất tẩy trắng giấy.

   Tuy nhiên, do công dụng tẩy mạnh nên người ta đã không ngần ngại dùng chất này vào tẩy chân gà và hải sản. Báo động hơn khi chất này tác động trực tiếp đến cơ thể sẽ gây viêm loét dạ dày, loét giác mạc; nếu dùng thường xuyên Hydrogen Peroxide sẽ tích tụ có thể gây nguy cơ ung thư.

   Trong khi đó, hóa chất chloride sodium hydrosufite khi bị tiếp nhiễm qua đường khí quản, cơ thể con người sẽ cảm thấy khó thở, có thể nghẹt thở và khi bị tiếp nhiễm lâu dài là nguyên nhân của nguy cơ ung thư. Vậy nhưng chất này vẫn ngày ngày được dùng để tẩy trắng bánh, lòng lợn và giá sống thay vì chức năng vốn có của nó là tẩy thuốc nhuộm, chế biến xà phòng.

   Kinh hoàng hơn là hóa chất Magnesium Sunlfate dùng để tẩy vải sợi nhưng nó cũng bị lạm dụng để tẩy trắng dừa, ngó sen, rau muống. Vì vậy ngộ độc, gây dị ứng và rối loạn tiêu hoá khi ăn phải những sản phẩm “ngậm” chất này không có gì là khó hiểu.

   Hay như hóa chất kali sulfite dùng để tẩy trắng mủ cao su, da và gỗ cũng được giới kinh doanh quán ăn mua về tẩy trắng da lợn và bún bất chấp tác hại của chất này khi tích tụ vào cơ thể người gây nên viêm da, mắt, miệng và teo ruột…

   Khảo sát mẫu thực phẩm ngâm hóa chất từ chợ và quán ăn đều cho biết hoá chất tẩy trắng có nguồn gốc từ chợ Kim Biên ở quận 5. Tuy nhiên, mới đây khi cơ quan chức năng kiểm tra 43 Cty, cửa hàng và chi nhánh kinh doanh hóa chất thực phẩm và hóa chất công nghiệp ở chợ Kim Biên và các chủ ở quận 5, thì cả 43 cơ sở chưa được cấp giấy đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

   Nạn sang chai, đóng gói phụ gia thực phẩm và hóa chất công nghiệp tràn lan nhưng không tuân thủ quy định pháp luật, thường là nhập khẩu, nhập lậu hoặc nhập hàng kém chất lượng rồi tự sang chiết và đóng gói bán lại cho khách hàng.

   Theo cơ quan chức năng chợ Kim Biên là trung tâm phân phối hóa chất lớn nhất của khu phía nam nhưng 2/3 hóa chất phụ gia thực phẩm, công nghiệp và hương liệu nơi đây lại không có nhãn mác và nguồn gốc rõ ràng.

   Tại các chợ ở TP HCM, gần như hàng rau củ chưa qua chế biến như ngó sen, chân gà vịt…bán tràn ngoài chợ đều được ngâm lại bằng hoá chất giúp rau giòn, trắng; các loại củ như su hào, khoai tây, các loại đậu, dưa cà…cũng tương tự- nghĩa là sau khi bóc vỏ đều được ngâm lại bằng hóa chất khi lên sạp.

   Với các loại hải sản, đặc biệt là mực, do để quá lâu đã bị ươn, cũng không còn cách nào khác là nhờ “phù phép” của chất tẩy trắng. Chỉ 30 phút sau khi ngâm tẩy trắng, mực sẽ trở nên cứng, trắng và sạch hơn. Các loại bánh tráng, bột dưới dạng sợi như bánh canh, bánh hỏi, bún, miếng …cũng nhờ hóa chất tẩy trắng mới thu hút được thực khách.

Với tác dụng của borax và chlorite sodium hydrosulfite, bánh tráng dù có ngả màu ngà úa hay bị bể vì giòn cũng trở nên rất dai, trắng phau và không bị vỡ. Dừa tươi cũng không ngoại lệ. Để vỏ được trắng phau, bắt mắt, nhiều chủ quán đã dùng chất tẩy trắng công nghiệp ngâm dừa.

//