MUA THỰC PHẨM AN TOÀN Ở ĐÂU?

MUA THỰC PHẨM AN TOÀN Ở ĐÂU?

   Theo bà Trần Cẩm Tú, nguyên phó thanh tra Sở Thương mại Hà Nội, vì mục tiêu giữ khách hàng, một số cơ sở chế biến thực phẩm ở Hà Nội bắt đầu đoạn tuyệt với hàn the, formol độc hại và chuyển sang sử dụng các loại phụ gia an toàn.

    Hà Nội với ba triệu dân có khoảng 350 cơ sở chế biến thực phẩm giò chả và 400 cơ sở chế biến các loại bánh. Theo Sở Y tế Hà Nội, ngay từ năm 2000, đã có 45-60% cơ sở chế biến thực phẩm trên địa bàn Hà Nội sử dụng phụ gia an toàn trong chế biến. Năm 2002, số ấy tăng lên 60-70% và, cuối năm 2006, đạt 70-75%.

    Tuy nhiên, vấn đề là bức tranh thực so báo cáo còn quá nhiều điểm khác biệt. Tại Hà Nội và TP HCM, vẫn thấy sờ sờ các chợ kinh doanh phụ gia trái phép (chợ Đồng Xuân – Bắc Qua ở Hà Nội và chợ Kim Biên ở TP HCM) dù Chính phủ thành lập hẳn ban chỉ đạo liên ngành.

    Chợ Đồng Xuân, phụ gia duy nhất thấy bày công khai là G2 sản xuất tại Việt Nam và hộp phụ gia Phosphates Mix của Thái Lan. Hỏi săm-pết cho vào thịt, khách được chủ một cửa hàng nằm ngay cổng chợ đưa cho xem gói bột G2: “Nem chua dùng loại này, tăng độ giòn, thơm lắm. Còn săm-pết thì rẻ”. Chủ cửa hàng H.L. (quầy số 21) đưa ngay điện thoại khi được hỏi săm-pết, một thành phần của thuốc súng, là phụ gia rất độc hại, và một số phụ gia cho vào nem chua, chả. Chủ cửa hàng nói: “Săm-pết 80.000 đồng/kg. Cần thì cứ gọi điện. Tôi chở tới tận nhà”.

    Vẫn săm-pết, chủ cửa hàng B.Ch. (ô 217A) cho biết, giá chỉ 15.000 đồng/kg. Bà chủ lôi trong gầm ghế một hộp bìa carton: “Thế có mua hương thịt không”.

    Bà mở hòm sắt dưới chân lấy ra hộp nhựa trắng đựng bột trắng có nhãn tiếng Trung Quốc và nói 110.000 đồng/hộp. Còn loại phụ gia hương thịt khác dạng lỏng sánh như dầu ăn của Thái giá 250.000 đồng/hộp loại một lít.

    Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, chỉ dẫn, mua phụ gia an toàn tại địa chỉ: Số 8 Ngõ 111 Phan Trọng Tuệ – Hà Nội hoặc  PV đến 144 phố Nguyễn Khuyến, Hà Nội, một mặt tiền nhỏ thó, mà bao nhiêu lần đi qua, không bao giờ thấy. Trên cửa ra vào cũ rích là tấm biển với hàng tít hấp dẫn: “Hội KHKT An toàn Thực phẩm Việt Nam – Tư vấn – Cung ứng phụ gia thực phẩm”. Lòng nhà chưa đầy 10m2 bày không theo hàng lối các túi, bọc, gói mà sau này mới biết là phụ gia thực phẩm an toàn.

    Đến cơ sở chế biến giăm bông nổi tiếng ở 295 phố Bạch Mai, nơi bảo đang sử dụng phụ gia an toàn lấy từ trung tâm tư vấn, cung ứng phụ gia thực phẩm của Công Ty Việt Mỹ  ở Hà Nội là muối đỏ và muối curin trong chế biến giăm bông.

   Giăm bông xuất xứ từ phương Tây nhưng lại là món khoái khẩu của nhiều người sành ăn Hà Nội. Lâu nay màu đỏ tươi của nó được tạo bởi sam-pết.

   Anh Đặng Trần Thơm, chủ cơ sở giăm bông Bạch Mai cung cấp cho thị trường Hà Nội 100 kg giăm bông/ngày, nói: “Tôi chỉ dùng phụ gia được Việt Mỹ tư vấn”.

MUT

    Còn có các nhà hàng khác như Sen (quận Tây Hồ, Hà Nội), nơi tổ chức chiêu đãi của nhiều đoàn khách quốc tế cao cấp. Cơ sở này và cơ sở chế biến đồ ăn Pháp Cebon (Gia Lượng, Ngọc Thụy, Long Biên), được xác nhận chỉ dùng phẩm màu và chất bảo quản an toàn để chế biến đồ ăn.

    Chị Tống Thu Hà, chủ cửa hàng chế biến đồ ăn Pháp Cebon, cho biết, cơ sở của chị chủ yếu làm đồ ăn cho người Pháp với hai loại hàng chủ yếu là thịt và xúc xích. Phụ gia chị sử dụng là muối curin và bột an toàn PDP.

   Hay cơ sở nem chua nổi tiếng Mạnh Cường (Đông Anh, Hà Nội), trung bình mỗi ngày đưa ra thị trường một tấn sản phẩm. Cơ sở sử dụng phụ gia an toàn thực phẩm ra từ năm 2002. Họ còn bán lại phụ gia an toàn cho những cơ sở nhỏ gần đó.

   Hiện có bốn phụ gia an toàn thay thế hàn the. Hai loại của Việt Nam là CHITOFOOD (còn gọi là bột PDP), giá 5.000 đồng/gói, sử dụng chế biến cho 10 kg giò. Và phụ gia G2, giá 80.000 đồng/kg. Ngoài ra còn có phụ gia Tripolyphosphat của Đức, giá 35.000 đồng/kg và phụ gia Phosphates Mix của Thái Lan.

   Hai loại phụ gia an toàn thay thế formol gồm Potassium Sorbate (92.000 đồng/kg) và Proben Z-SG hay Sadium Benzoate của Mỹ với giá 34.000 đồng/kg.

   Chủ cơ sở Mạnh Cường cho biết, khi thấy sử dụng phụ gia an toàn và lượng nem chua và giò, chả của cơ sở tăng rất mạnh, nhiều nơi khác tìm đến học hỏi. “Bên Đông Anh, 10 nhà có 8-9 nhà sử dụng phụ gia an toàn theo cách của chúng tôi”.

   Song rất nhiều người không biết thị trường Hà Nội “đã có bốn loại phụ gia an toàn thay thế hàn the, hai loại thay thế formol hay 21 loại phẩm màu an toàn có trong danh mục phụ gia thực phẩm được phép sử dụng của Bộ Y tế” như tuyên bố của Hội KHKT An toàn Thực phẩm.

   Một trong những nguyên nhân khiến phụ gia an toàn chưa được dùng nhiều là giá thành và tính chưa hoàn thiện về khẩu vị. “Những nơi chưa dùng có thể do phụ gia an toàn đắt hơn (một kg phụ gia an toàn mua được 10 kg hàn the). Rồi phụ gia thay thế cũng khó dùng hơn hàn the”, chủ cơ sở Mạnh Cường nói.

   Một đề tài nghiên cứu phụ gia an toàn của liên ngành thương mại y tế Hà Nội mới đây cũng thừa nhận phụ gia an toàn vẫn thua hàn the về khẩu vị. “Giò chả dùng hàn the nếu 9 điểm thì phụ gia an toàn chỉ đạt 6 – 7,5 điểm, xét về tạo độ giòn, dai, thời gian bảo quản”, một quan chức tham gia đề tài nhận xét.

   Nhưng các chuyên gia của Hội ATTP cho rằng sự khác biệt đó không đáng kể nếu so sánh với nguy cơ gây bệnh của hàn the, formol (ung thư, thoái hoá cơ quan sinh dục, rối loạn tiêu hóa).

//