PHÁT HIỆN ĐƯỢC CHẤT CẤM THÌ THỰC PHẨM ĐÃ… TIÊU THỤ HẾT

PHÁT HIỆN ĐƯỢC CHẤT CẤM THÌ THỰC PHẨM ĐÃ… TIÊU THỤ HẾT

  Thịt, cá không rõ nguồn gốc, rau – củ – quả ngậm thuốc bảo vệ thực vật… vẫn ngày đêm len lỏi vào thành phố tiêu thụ. Các phương thức kiểm tra chất lượng còn thô sơ nên khi phát hiện được chất cấm thì thực phẩm đã “về với đất”.

Không kiểm soát được chất lượng nông sản, thực phẩm

   Tại Hội nghị chuyên đề thực trạng và giải pháp quản lý an toàn thực phẩm (ngày 30/9), ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm thành phố công bố một con số giật mình: “Khoảng 80% sản phẩm nông sản thực phẩm tại các tỉnh và TPHCM không thể kiểm soát được chất lượng trong quá trình nuôi trồng”.

Khoảng 80% nông sản thực phẩm không kiểm soát được chất lượng

    Theo ông Thái Hòa, hiện trên địa bàn thành phố cũng như các tỉnh thành lân cận chưa có một quy trình chuẩn trong việc nuôi trồng, đánh bắt, chế biến các mặt hàng nông sản, thủy hải sản. Việc trồng trọt và chăn nuôi còn mang nặng tính tự phát nên rất khó khi kiểm soát chất lượng, truy nguyên nguồn gốc xuất xứ khi có sự cố xảy ra.

    Trên địa bàn thành phố hiện có 3 chợ đầu mối lớn là Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức. Mỗi ngày ước tính có đến hàng nghìn tấn thực phẩm từ các tỉnh thành đổ về để phục vụ cho nhu cầu của gần 10 triệu dân đang sinh sống tại TPHCM. Các đơn vị chức năng thuộc 3 bộ gồm: Bộ Nông nghiệp phát triển Nông thôn, bộ Công thương, Bộ Y tế vẫn đều đặn tiến hành giám sát và lấy mẫu kiểm tra. Tuy nhiên, số lượng mẫu được lấy chỉ mang tính tượng trưng, không phản ánh đủ thực tế.

     Phương pháp kiểm tra chủ yếu hiện nay là thực hiện test nhanh để phát hiện những dấu hiệu nghi ngờ của các mặt hàng thực phẩm không đạt. Tuy nhiên: “khi phát hiện mẫu kiểm tra dương tính với các chất như thuốc bảo vệ thực vật hay chất bảo quản chúng tôi phải tiến hành các xét nghiệm định lượng. Nhưng hiện nay, cơ sở vật chất tại các chợ không đủ để bảo quản hàng hóa. Trong lúc chưa có kết luận chính thức, cơ quan chức năng không thể thu giữ hoặc cấm lưu thông vì thế khi có kết quả định lượng thì mặt hàng chứa chất cấm đã bị tiêu thụ hết”.

Loay hoay tìm giải pháp

    Theo thống kê, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2014 trên cả nước đã xảy ra 1.864 vụ ngộ độc thực phẩm với 16 người tử vong. GS. Chu Phạm Ngọc Sơn, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật TPHCM nhận định: để xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm thường xuyên là do công tác quản lý thực phẩm còn lỏng lẻo, chưa có đủ khả năng kiểm định hết những hóa chất gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng có mặt trong thực phẩm. Thực tế trên đã tạo cơ hội cho nhiều cơ sở giả nhãn hiệu, cố tình sử dụng những hóa chất độc hại, chất kích thích tăng trưởng trong thực phẩm vì mục đích lợi nhuận.

    Trong tình hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm ô hợp như hiện nay, theo GS Chu Phạm Ngọc Sơn, cơ quan quản lý cần phải có những công cụ sắc bén để phân tích, kiểm tra chất lượng thực phẩm, nhanh chóng phát hiện và ngăn chặn các mặt hàng chứa hóa chất hoặc chất lạ gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng cũng như sớm tiêu hủy và xử lý.

Ngộ độc thực phẩm tập thể luôn là nỗi kinh hoàng của công nhân

   Để ngăn chặn tình trạng thực phẩm nghi nhiễm độc nhưng đang trong quá trình kiểm nghiệm đã tiêu thụ hết, Ban chỉ đạo liên ngành Vệ sinh An toàn Thực phẩm thành phố cho biết sẽ yêu cầu các chợ đầu mối xây dựng hệ thống quản lý an toàn thực phẩm, đầu tư kho lạnh phục vụ cho công tác bảo quản, kiểm tra, xử lý đối với mặt hàng thực phẩm nghi nhiễm các chất cấm.

   Nhằm đẩy lùi tình trạng phần lớn thực phẩm không kiểm soát được chất lượng trong quá trình nuôi trồng, sắp tới thành phố sẽ xây dựng các vùng nuôi trồng tập trung; siết quản lý về kiểm dịch động vật, giết mổ gia súc, gia cầm; hướng dẫn các hộ dân quy trình an toàn trong sản xuất các mặt hàng thực phẩm…

   Tuy nhiên, theo nhận định của các nhà chuyên môn về thực phẩm, việc xây dựng các quy trình mang tính lý tưởng nêu trên nếu đi đến thành công cũng không phải “một sớm một chiều”. Chừng nào các kế hoạch còn nằm trên lý thuyết, người dân sẽ còn phải đương đầu với những nguy hại đối với sức khỏe và tính mạng do thực phẩm bẩn gây ra.

//