PHỤ GIA NÀO THAY THẾ HÀN THE

PHỤ GIA NÀO THAY THẾ HÀN THE

   Ngày 15 đến 25/6/2013, Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về tiêu dùng (thuộc Hội Tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng) đã khảo sát thị trường TP HCM lấy ngẫu nhiên 30 mẫu. Kết quả cho thấy, 24 trong tổng số 30 mẫu đều có sự hiện diện của chất làm trắng Tinopal có khả năng phát huỳnh quang (fluorescence). Sử dụng chất huỳnh quang sẽ làm hư hại đường tiêu hóa, niêm mạc thành ruột, có thể dẫn đến viêm loét ruột, dạ dày. Người ăn phải chứa chất huỳnh quang lâu dài sẽ bị suy gan, thận, cơ thể mệt mỏi và có thể bị bệnh ung thư.

    Vấn đề an toàn thực phẩm luôn là một vấn đề nóng của toàn xã hội nói chung và thách thức của các cơ quan quản lý Nhà nước nói riêng. Làm sao để quản lý thực phẩm an toàn, để người tiêu dùng yên tâm vào sản phẩm mình mua, tạo dựng được hình ảnh đẹp cho thực phẩm Việt Nam đối với người nước ngoài luôn là một câu hỏi khó.

    Không chỉ có bún, bánh cuốn, bánh phở… mà ngay cả trong sản xuất giò chả, các cơ sở vẫn dùng chất phụ gia Hàn the để làm cho giò chả dai hơn, bảo quản được lâu hơn.

   Hàn the, tên hóa dược là Borax NaB4O7, là muối natri của acid boric. Đây là một chất sát khuẩn và nấm yếu, được dùng trong y tế để dùng diệt khuẩn và nấm nhẹ. Trước đây, borax có trong các công thức thuốc điều trị loét aptơ, nước súc miệng, trị viêm miệng, viêm nhiễm mắt mũi… nhưng hiện ít được dùng vì có thuốc khác tốt hơn và ít tác dụng phụ. Nhiều y văn và dược văn ghi rõ: Không dùng boric hoặc borax đường uống.

   Hàn the không có trong Danh mục các chất được Bộ Y tế cho phép dùng chế biến thực phẩm do tính độc hại của nó. Khi ăn các loại thức ăn cho chứa Hàn the sẽ tích lũy trong cơ thể, tùy liều lượng có thể gây nên những triệu chứng cấp tính và mạn tính. Với tiêu hóa, nó gây nôn mửa, đau bụng tiêu chảy; với da thì gây ban đỏ dẫn đến tróc vẩy. Về thần kinh, hàn the gây kích thích dẫn đến trầm cảm, hoặc kích thích màng não, thay đổi nhiệt độ cơ thể. Với đường niệu, nó gây hư hại đặc biệt cho thận và toàn thân, gây rối loạn chức năng, yếu ớt, bất lực, rối loạn kinh nguyệt, rụng tóc.

   Để hạn chế việc sử dụng Hàn the và các chất phụ gia cấm trong sản xuất thực phẩm, các nhà khoa học đã ngiên cứu và sản xuất ra nhiều chất phụ gia thực phẩm có công dụng tương tự để thay thế. Một trong số đó là chất Phụ gia thực phẩm FA1 do Khoa Chế Biến trường ĐH Nha Trang (Đại học Thủy sản) nghiên cứu và đã được Cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm của Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm: 001/AA/2012.Chất phụ gia FA1 được sản xuất từ các muối phốt phát và polysaccarit đặc biệt nên không có hại cho người tiêu dùng.

   Tác dụng của FA1: Làm tăng sự giai giòn chả cá, thịt cá viên, chả lụa, xúc xích và surimi. Kéo dài thời gian bảo quản sản phẩm. Hạn chế sự hao hụt trọng lượng trong quá trình gia công chế biến và bảo quản sản phẩm. Giữ được các chất ngọt của thực phẩm trong quá trình chế biến, nhờ đó sản phẩm trở nên hấp dẫn hơn.

   Tuy đã được sản xuất và thử nghiệm thành công, nhưng chất phụ gia FA1 vẫn chưa được áp dụng rộng rãi vì chưa được nhiều người biến đến và giá thành vẫn cao hơn các chất phụ gia cấm. Hy vọng, trong thời gian tới, sẽ không còn xảy ra tình trạng vì lợi nhuận trước mắt mà đánh đổi bằng mạng sống của nhiều người.

//