Nhiều bà nội trợ mù mờ về phụ gia thực phẩm

Với các loại thực phẩm không có nguồn gốc, người mua khó có thể xác định người bán đã chế biến bằng phụ gia gì. Ảnh minh họa: Thiên Chương

Thông tin được các chuyên gia về thực phẩm nêu tại hội thảo “Phụ nữ nói không với phụ gia thực phẩm không an toàn” do Cục An toàn vệ sinh thực phẩm phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức ngày 24/8 tại TP HCM.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), cho biết có 23 nhóm phụ gia thực phẩm bao gồm 337 chất được cho phép sử dụng. Thực tế kiểm tra cho thấy phụ gia thực phẩm trôi nổi, không nguồn gốc vẫn còn tồn tại nhiều trên thị trường.

Với ưu điểm là giá thành rẻ, mặt hàng này thường các cơ sở chế biến, kinh doanh nhỏ lẻ sử dụng. Cơ quan chức năng không thể thống kê, kiểm soát được vì quá nhiều hộ kinh doanh. Sản phẩm sử dụng phụ gia không nguồn gốc đến tay người tiêu dùng mà các bà nội trợ không thể dùng mắt thường để nhận định.

Tại TP HCM, thời gian qua nhiều sản phẩm nhuộm phẩm màu và phụ gia độc hại đã được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm phát hiện. Ví dụ như màu công nghiệp được dùng để nhuộm hạt dưa và bột cà ri; các loại nước giải khát có màu cũng dùng màu không có nguồn gốc để chế biến.

Gần 20 hộ kinh doanh phụ gia thực phẩm tại chợ Kim Biên đã ký cam kết không kinh doanh các loại phụ gia thực phẩm không an toàn, ngay hôm 24/8.

Song song với cuộc vận động phụ nữ cả nước thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đồng thời vận động các hộ nuôi trồng thực hiện 3 không. Đó là: “Không sản xuất rau không an toàn – Không giết mổ gia súc, gia cầm không an toàn – Không kinh doanh phụ gia thực phẩm không an toàn”.

//