ĐIỀU CHẾ THÀNH CÔNG TINH BỘT NGÔ ĐỂ LÀM TÁ DƯỢC
Các sản xuất tinh bột ngô làm tá dược,” do nhóm nghiên cứu thuộc bộ môn Hóa Dược-Dược lý, Trường Cao đẳng Dược Phú Thọ thực hiện không chỉ đáp ứng được yêu cầu của ngành Dược mà còn góp phần làm phong phú hơn các loại tinh bột làm tá dược, đồng thời mở ra hướng tiêu thụ ngô cho người nông dân Phú Thọ.
Chị Phan Thị Mai Hương, Chủ nhiệm đề tài cho biết trong ngành công nghiệp Dược, tinh bột được sử dụng nhiều làm tá dược viên nén, viên bao… và có nhiều tính chất khá đặc biệt như tinh bột không gây tác dụng dược lý riêng, không gây kích ứng niêm mạc đường tiêu hóa, không có mùi vị khó chịu. Tinh bột ngô tương đối trơ về mặt hóa học, không tác dụng với dược chất và không làm thay đổi tác dụng dược lý của dược chất.
Ngoài ra, nó còn có bản chất ổn định, không lên men mốc, tỷ trọng gần như tương đương với dược chất nên không bị tách lớp khi dùng làm tá dược độn trong quá trình dập viên… Nhờ đó, tinh bột được dùng làm tá dược độn, dính, rã, trơn hay tá dược hút tuỳ theo tỷ lệ thêm vào thành phần của thuốc viên.
Hiện nay, ngành Dược Việt Nam chủ yếu dùng tinh bột sắn làm tá dược, vì vậy việc chế tạo tinh bột sắn và nghiên cứu chế biến các dạng tá dược cao cấp hơn từ tinh bột sắn cũng bắt đầu được quan tâm. Các loại tinh bột khác, trong đó có tinh bột ngô cho đến nay ít được sử dụng hơn. Vì vậy, nhóm nghiên cứu đã chủ động tìm hiểu, phân tích sử dụng tinh bột ngô làm tá dược để tận dụng sản lượng cây ngô có sẵn trên địa bàn tỉnh và góp phần làm phong phú nguồn tinh bột làm tá dược…
Qua nghiên cứu đề tài đã xây dựng được quy trình tinh chế tinh bột ngô thực phẩm thành tinh bột ngô dược dụng; đánh giá chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn dược điển và khảo sát một số chỉ tiêu về phương diện bào chế; xây dựng tiêu chuẩn cơ sở tinh bột ngô dược dụng…
Kết quả thực nghiệm bước đầu đã cho hiệu quả đó là tinh bột ngô đã được dùng làm tá dược cho viên nén Paracetamol, có khả năng gây rã và giải phóng dược chất (theo trắc nghiệm hòa tan) là tương đương với Amidon và tinh bột sắn. Đặc biệt đã đảm bảo độ trắng tương đương Amidon và tinh bột sắn dược dụng, độ lắng tốt, đóng chặt. Tinh bột ngô chế biến từ tinh bột ngô thực phẩm không những đáp ứng các chỉ tiêu của tinh bột ngô dược dụng theo tiêu chuẩn dược điển mà còn đáp ứng yêu cầu về phương diện bào chế với vai trò làm tá dược, dược dụng theo tiêu chuẩn của Dược điển Mỹ.
Tiến sỹ Hà Quang Lợi, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Dược Phú Thọ cho biết thành công của đề tài ngoài việc đáp ứng yêu cầu của ngành cũng như công tác đào tạo của nhà trường còn góp phần làm phong phú hơn các loại tinh bột làm tá dược. Phú Thọ là tỉnh miền núi, cây ngô được người nông dân trồng với diện tích rất lớn. Đây là cơ sở thuận lợi cho việc sản xuất tinh bột ngô dược dụng tại bộ môn Công nghiệp Dược hay trung tâm thí nghiệm của nhà trường.
Trước đó, vào năm 2011 Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam cũng đã nghiên cứu thành công công nghệ biến tính tinh bột sắn làm tá dược đạt tiêu chuẩn chất lượng với công suất 5000 kg/năm. Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao và được kiến nghị tiếp tục Dự án “Sản xuất tá dược từ tinh bột sắn trong nước” với công suất 1000 tấn/năm đạt tiêu chuẩn dược điển Mỹ.
Như vậy, với nguồn tài nguyên tinh bột sẵn có, chúng ta hoàn toàn có thể chủ động sản xuất các loại tá dược phụ vụ nhu cầu trong nước, nhằm hạn chế nhập khẩu, nâng cao năng lực và khả năng nghiên cứu ứng dụng của các nhà khoa học trong nước.