GIỚI THIỆU DÂY CHUYỀN NƯỚC TINH KHIẾT NƯỚC ĐÓNG CHAI LỌC

GIỚI THIỆU DÂY CHUYỀN NƯỚC TINH KHIẾT NƯỚC ĐÓNG CHAI LỌC

Sản xuất nước uống đóng chai, đóng bình bao gồm 3 công đoạn chính: lọc nước đạt tiêu chuẩn – chiết rót, đóng nắp – bảo quản thành phẩm. Chúng tôi xin được chia sẻ những thông tin cơ bản nhất để quý khách hàng tham khảo trước quyết định đầu tư sản xuất.

Quy trình lọc nước – xử lý nước nước đóng chai 

Bắt đầu từ Nguồn nước:

Nhà đầu tư căn cứ theo quy mô sản xuất để chọn nguồn nước phù hợp. Các cơ sở nhỏ thường chọn nguồn nước máy. Nếu sản xuất với khối lượng lớn, nên chọn nguồn nước giếng ngầm. Nước ngầm thường có chất lượng ổn định, thuận tiện cho việc xử lý và chi phi thấp hơn so với xử lý các nguồn nước khác. Nếu may mắn tìm được nguồn nước tốt, chủ đầu tư sẽ giảm được rất nhiều chi phí, tiền bạc sau này. Thà một lần mất thời gian chọn nguồn nước còn hơn liên tục phải bảo dưỡng, bảo trì hệ thống.

Sau khi khoan được giếng, chọn được nguồn nước, nhất thiết phải làm xét nghiệm tổng quát vi sinh lý hóa, vừa là để tìm giải pháp công nghệ l- thiết bị lọc phù hợp, vừa là để lưu hồ sơ xin cấp giấy phép sau này. Căn cứ theo kết quả, có thể phải qua một hoặc nhiều công đoạn xử lý sau:

Lọc cặn thô:

Nếu thấy nước bị đục, có cặn hoặc chất lơ lửng, cần loại bỏ bằng lọc thô để chống nghẹt cho các thiết bị phía sau.

Khử sắt, mangan:

Nước được chảy qua bộ lọc với vật liệu là các chất có khả năng ô xy hóa mạnh để chuyển sắt 2 thành sắt 3, bị kết tủa và được xả ra ngoài. Quá trình này cũng đồng thời xử lý mangan và mùi hôi của khí H2S (nếu có). Sau đó, nước được đưa vào sản xuất hoặc tiếp tục phải xử lý:

Làm mềm, khử khoáng

Nếu nước chứa nhiều can xi, sắt, khoáng, cần thiết phải được xử lý qua hệ thống trao đổi ion (Cation–Anion), có tác dụng loại bỏ những ion dương (Cation): Mg2+, Ca2+, Fe3+, Fe2+, … Và những ion âm (Anion) như: Cl-, NO3-, NO2-,… Nước được xử lý qua hệ thống này sẽ được đưa vào bồn chứa hoặc tiếp tục đựoc xử lý:

Khử mùi khử màu

Dùng bộ lọc tự động xúc xả với nhiều lớp vật liệu để loại bỏ bớt cặn thô trên 5 micron, khử mùi và màu (nếu có):

Cân bằng pH

Quy chuẩn mới nhất về nước uống đóng chai đã không còn nhắc tới yêu cầu về pH. Tuy nhiên, để việc xử lý nước thuận tiện hơn, nên điều chỉnh pH về mức trung tính (6.5-7.5).

Các giai đoạn trên thực chất là để bảo vệ, tăng tuổi thọ của hệ thống màng RO trong công đoạn sản xuất chính sau đây.

Lọc tinh: dùng màng thẩm thấu ngược hoặc màng Nano

Nước được bơm cao áp qua hệ thống màng thẩm thấu ngược (Reverse Osmosis).

Tùy theo chế độ điều chỉnh, màng RO sẽ cho khoảng 25 – 75% lượng nước tinh khiết đi qua những lỗ lọc cực nhỏ, tới 0.001 micron.

Phần nước còn lại, có chứa những tạp chất, những ion kim loại … sẽ được xả bỏ hoặc được thu hồi để quay vòng.

Phần nước tinh khiết không còn vi khuẩn, virus và các loại khoáng chất đạt tiêu chuẩn nước đóng chai sẽ được tích trữ trong bồn chứa kín.

Ngày nay, ngành lọc nước tinh khiết tại các nước phát triển sử dụng màng nano nhiều hơn. Màng nano hạn chế dược nhiều nhược điểm của màng RO: không cần áp cao, không nước thải, bảo dưỡng dễ dàng…

Tái diệt khuẩn bằng tia cực tím:

Trong quá trình lưu trữ, nước tinh khiết có khả năng bị nhiễm khuẩn từ không khí nên trứoc khi đóng chai rất cần tái tiệt trùng bằng tia UV (Ultra-violet light) để diệt khuẩn.

Sau đó đưa qua hệ thống lọc tinh 0,2µm để loại bỏ xác vi khuẩn (nếu có)

Giai đoạn cuối: Chiết rót – đóng nắp

Sau khi qua tất cả các quy trình trên, nước được bơm ra hệ thống chiết rót để đóng chai.

Quy trình đóng bình 5 Gallon (19, 20 lít)

Chuẩn bị nắp:

Nắp được lấy từ kho đưa vào khu vực rửa nắp để rửa bằng nước thành phẩm qua 04 giai đoạn như:

Giai đoạn 1: Kiểm tra, rửa lần 01 loại bỏ cặn trong quá trình vận chuyển, lần 2 rửa sạch chuyển qua giai đoạn 2.

Giai đoạn 2: Ngâm nắp đã rửa bằng dung dịch tiệt trùng.

Giai đoạn 3 và 4: Tương tự như giai đoạn 1 và 2. Sau đó đưa vào ngăn chứa nắp trong hệ thống để chuẩn bị sản xuất.

Chuẩn bị vỏ bình 5 Gallon.

Giai đoạn 1: Vỏ bình được tập trung tại phòng sơ chế để chà rửa sạch sẽ, xúc rửa lần thứ nhất bằng hóa chất tiệt trùng dùng cho thực phẩm.

Giai đoạn 2: Tiệt trùng vỏ bình.

Vỏ bình tiếp tục được đưa vào máy tự động súc rửa và phải tráng lại bằng nước thành phẩm (nước tinh khiết).

Hóa chất tiệt trùng phải là loại được kiểm nghiệm, có tính sát trùng mạnh nhưng không để lại mùi, phân hủy nhanh, không ảnh hưởng đến chất lượng nước.

Giai đoạn 3: Vỏ bình được chuyển qua máy chiết nước, đóng nắp tự động.

Giai đoạn 4: Bình được đưa qua băng tải, lúc này bộ phận KCS sẽ kiểm tra bình lần cuối trước khi đưa ra thành phẩm.

Giai đoạn cuối Bình thành phẩm được chuyển qua kho trung chuyển. Bộ phận đảm bảo chất lượng kiểm tra lần cuối. Sau hai ngày có kết quả kiểm nghiệm chuyển qua kho bảo quản và phân phối.

Quy trình chiết rót đóng nắp chai PET loại nhỏ (300 – 1500ml)

Giai đoạn 1: Chuẩn bị nắp: Nắp được rửa sạch từ khu vực rửa nắp sau đó được đưa vào ngăn chứa để sản xuất.

Giai đoạn 2: Chuẩn bị vỏ chai: Vỏ chai mới, được đưa vào băng tải, máy tự động chuyển chai vào, súc rửa bằng nước thành phẩm,

Giai đoạn 3: Chiết nước đóng nắp: Máy tự động chuyển chai đã vô trùng qua hệ thống chiết nước, đóng nắp tự động.

KCS kiểm tra chất lượng chai đã đóng nắp đi ra băng tải. Chuyền qua máy in hạn sử dụng lên nắp chai Chai được lồng nhãn thân và cổ chuyển tự động qua máy sấy màng co.

Đóng thùng thành phẩm chuyển qua kho trung chuyển, thực hiện thủ tục lưu kho…

Kết thúc quy trình sản xuất.

Một số tiêu chuẩn:

TIỂU CHUẨN THỰC HÀNH SẢN XUẤT TỐT GMP (GOOD MANUFACTURING PRACTICE)

Khu vực sản xuất được thiết kế theo tiêu chuẩn GMP (Good Manufacturing Practice)

Khu vực sản xuất có lối ra vào riêng biệt cho người vận hành, có lối vào, ra riêng biệt dùng để chuyển nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa thành phẩm.

Lối vào, ra dành cho người có phận sự, được trang bị đèn diệt côn trùng. Khu vực sản xuất đảm bảo thông thoáng, vô trùng. Hệ thống máy điều hòa nhiệt độ (nếu cần thiết) phải có khả năng diệt khuẩn. Nếu có điều kiện, nên trang bị hệ thống cảnh báo rủi ro…

QUY TRÌNH VỆ SINH CÔNG NGHIỆP SSOP

Trước khi vào khu vực sản xuất để làm việc, công nhân bắt buộc phải qua các thao tác sau:

Bước 1 : Phòng thay trang phục

Có phòng riêng cho nhân viên thay trang phục bảo hộ lao động trước khi vào khu vực sản xuất.

Bước 2 : Phòng khử trùng

Người có phận sự khi vào khu vực sản xuất bắt buộc phải qua phòng có hệ thống khử trùng.

Bước 3: Vệ sinh tay

Thực hiện thao tác rửa tay theo tiêu chuẩn bắt buộc. Làm khô tay bằng máy hong khô, mang khẩu trang và găng tay y tế tiệt trùng.

Bước 4 : Tiệt trùng ủng

Nhúng ủng vào hồ nước khử trùng trước khi vào phòng sản xuất.

(Lưu ý, chỉ cho người của cơ quan chức năng vào kiểm tra khi họ được giao thực thi nhiệm vụ, có thẻ ngành và cũng \bắt buộc phải qua các khâu tiệt trùng như trên. Tuyệt đối không để người lạ, người không có phân sự vào khu vực sản xuất)

TIÊU CHUẨN QUỐC TẾ SQF 2000CM /HACCP/ISO 9001 “Thực phẩm – Chất lượng – An toàn”

SQF 2000CM (SAFE QUALITY FOOD) Là bộ tiêu chuẩn được thiết kế để quản lý và thực hiện một cách hiệu quả các nguyên tắc về :

“Thực phẩm Chất lượng Vệ sinh An toàn” được dựa trên nguyên tắc HACCP.

HACCP (Hazard Analysis Critical Controll Point) : Là kỹ thuật được dùng để nhận dạng, ngăn ngừa và giảm thiểu các mối nguy hại về An toàn thực phẩm đến một mức tối thiểu có thể chấp nhận được. Bộ tiêu chuẩn này tương đồng với Bộ luật hướng dẫn của Ủy Ban Thực phẩm Quốc Tế (CODEX) ban hành. Chú trọng đến những vấn đề an toàn chất lượng thực phẩm, tương thích với tiêu chuẩn ISO 9001.

Tại sao phải áp dụng SQF 2000CM?

Xuất phát từ triết lý kinh doanh của ngành hàng thực phẩm đồ uống “Chất lượng là yếu tố quan trọng”, trong suốt quá trình hoạt động bắt buộc luôn áp dụng những kỹ thuật tiên tiến, các tiêu chuẩn về chất lượng khắt khe nhất để tạo ra những sản phẩm thực sự chất lượng, tinh khiết. Điều này đòi hỏi tất cả những nhà sản xuất tham gia vào lĩnh vực này phải thực hiện và áp dụng tiêu chuẩn này. Họ cần phải có sự đầu tư rất lớn không những về cơ sở vật chất còn phải đào tạo nhân sự có trình độ chuyên môn, tay nghề để thực hiện tiêu chí này.

//