SỰ THẬT VỀ CHẢ CÁ CHỨA URÊ ĐỘC HẠI
Theo thông tin từ UBND tỉnh Phú Yên, cụ thể, 7/7 mẫu chả cá kiểm tra có chứa dư lượng Urê, hàm lượng từ 15 – 47,6 mg/kg; 5/7 mẫu có chứa dư lượng Chloramphenicol, hàm lượng từ 0,1 – 1,24 μg/kg; qua 21 chỉ tiêu được đánh giá, có 6 chỉ tiêu mắc lỗi nghiêm trọng và 15 chỉ tiêu lỗi nặng.
Các hóa chất trên đều bị cấm sử dụng trong bảo quản, chế biến thực phẩm vì có tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe người sử dụng.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách Khoa Hà Nội), urê là một loại phân bón hóa học dùng trong nông nghiệp. Đây là loại hóa chất có tác dụng kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn, giá thành rất rẻ nên không ít người kinh doanh thủy hải sản tươi sống đã dùng phân urê để bảo quản nhằm giữ cho thực phẩm tươi lâu, không bị ươn thối.
Khi sử dụng đạm urê tẩm ướp, bảo quản hải sản, đạm urê sẽ ngấm trực tiếp vào cá. Sau đó dù có được rửa đi rửa lại bao nhiêu lần vẫn không loại bỏ được hết các dẫn xuất độc hại của urê đã ngấm sâu vào thực phẩm.
Theo các tài liệu nghiên cứu, người sử dụng có thể bị ngộ độc cấp tính nếu ăn phải các loại hải sản như cá, mực… có dư lượng urê cao. Nếu ăn thường xuyên với hàm lượng ít, urê sẽ tích tụ dần vào cơ thể gây ngộ độc mạn tính với các biểu hiện: đau đầu không rõ nguyên nhân, mất ngủ, suy nhược cơ thể, giảm trí nhớ, ảnh hưởng đến gan, thận…