Mức phạt tối đa với hành vi vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm của cá nhân là 100 triệu đồng và tổ chức là 200 triệu thay vì 15 triệu như trước đây. Số tiền này có thể lên tới hàng tỷ đồng nếu tính nguy hại với xã hội lớn.
Đây là nội dung Nghị định quy định xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm vừa được Chính phủ thông qua, có hiệu lực từ ngày 31/12.
Cụ thể, hành vi sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc không có giấy chứng nhận xuất xứ do cơ quan nhà nước cấp thì sẽ bị phạt tiền 30-50 triệu đồng. Mức phạt đối với việc sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục được phép cũng lên tới 30-40 triệu đồng; nếu sử dụng loại có chứa chất độc thì mức phạt sẽ là 70-100 triệu đồng.
Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm sẽ có hiệu lực từ ngày 31/12. Ảnh N.P.
Ngoài ra, những cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố có thể bị cảnh cáo hoặc phạt tiền (từ 300.000 đến 500.000 đồng) nếu bày thức ăn không có bàn, giá, phương tiện đảm bảo an toàn thực phẩm; không có dụng cụ che mưa nắng bụi bẩn; dùng tay tiếp xúc trực tiếp với thức ăn… Nếu sử dụng nguyên liệu, phụ gia thực phẩm không có nguồn gốc xuất xứ, hết hạn thì sẽ bị phạt 500.000 đến 1 triệu đồng.
Ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết: “Mức phạt quy định trong nghị định mới này cao hơn so với các quy định trước đây, đủ sức răn đe. Mức phạt tiền của tổ chức được quy định gấp đôi cá nhân đối với cùng một hành vi vi phạm. Nếu mức phạt tối đa không đảm bảo thì căn cứ theo luật An toàn thực phẩm có thể xử phạt gấp 7 lần giá trị của hàng hóa đó”.
Nghị định mới cũng bổ sung thêm quyền lập biên bản xử phạt cho lực lượng công chức, viên chức thuộc các ngành y tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn, công thương. Biên bản sau khi lập được chuyển đến người có thẩm quyền xử phạt để tiến hành xử lý theo quy định.
Theo ông Trung, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm phụ thuộc vào kinh tế xã hội và nhận thức của người dân. Người dân nên mua sản phẩm rõ ràng có nguồn gốc, đặc biệt chú ý đến quy trình chế biến.