HÀ NỘI ĐI CHỢ MUA PHỤ GIA THỰC PHẨM

HÀ NI ĐI CH MUA PH GIA THC PHM

   Để xương bò, xương heo hầm mau mềm, rau luộc có màu xanh non, lạp xưởng có màu đỏ tươi bắt mắt… chỉ cần cho một ít muối diêm lạnh. Thực phẩm khô như cá khô, trái cây khô, các loại đỗ… muốn để bán lâu dài mà không hư, cần cho vào ít thuốc chống mốc.

   Chả cá, chả quế, chả lụa muốn dai; dưa chua muốn vàng, giòn, thì cho chút hàn the. Đậu phụ muốn được ngon, trắng, không bị vỡ và chắc, thì bỏ chút thạch cao vào”… Mỗi ngày, mỗi giờ những “mẹo vặt” có sử dụng các chất phụ gia thực phẩm độc hại vẫn được người bán và người kinh doanh truyền tai nhau như một “bí quyết gia truyền” trong kinh doanh thực phẩm ăn uống và các chất phụ gia thực phẩm độc hại cũng theo đó vào cơ thể người dùng…

   Chúng tôi đã làm một cuộc “khảo sát” nhỏ quanh khu bán đồ khô, tạp hóa bên trong chợ Đồng Xuân – nơi được nhiều người bán thực phẩm ở các chợ khác mách nhỏ là “trung tâm cung cấp phụ gia thực phẩm của thành phố”. Trong vai những người sắp mở quán ăn, chúng tôi ghé vào một quầy hàng chuyên bán gia vị, nước chấm.

    Chị chủ hàng tên H., nhanh nhảu hỏi chúng tôi: “Tìm mua gì vậy mấy em?”. “Có hàn the không?” tôi hỏi. “Thứ đó cấm bán mà, em hỏi làm gì?” người bán hàng trả lời một cách rất cảnh giác. Sau khi nghe giãi bày về “động cơ” mua hàn the, người bán vào trong quầy lấy ra một chiếc hộp sắt, không nhãn mác, bên trong đựng thứ bột trắng mịn, rồi dùng muỗng múc bột cho vào bên trong túi ni-lông và nói: “Bán cái này thường tôi chỉ bán cho người quen, nhìn mấy chú “thật thà” tôi mới bán đấy, 2.500 đồng 1 lạng. Về cứ cho vào dưa chua, chả cá vừa được lâu, lại còn dai, khách ăn mới thích!”.

   Tất cả đều để cẩu thả trên những quầy hàng dơ bẩn, trong các túi nilông không nhãn mác, xuất xứ, và giá rất rẻ. Khi chúng tôi tò mò hỏi “Hàng được lấy từ đâu?”. Thì đều được nghe câu trả lời chung: “Ở Hà Nội! Các chú không phải bận tâm, những người kinh doanh thức ăn đường phố vẫn mua đều đều để dùng cho khách, ấy vậy mà có ai bị sao đâu!”.Ghé vài ba quầy hàng tạp hóa cùng nằm trong chợ, gần dãy hàng bán đồ khô, chúng tôi dễ dàng mua được những phụ gia thực phẩm khác như thuốc chống mốc, muối diêm và đường hóa học. Giá đường hóa học là đắt nhất 10.000đ/100g, trong khi đó giá của thuốc chống mốc và muối diêm chỉ có 2.500đ/100g.

    Với những mặt hàng khác nhau như: màu tổng hợp (không phải dành riêng cho thực phẩm), chất tạo mùi, thuốc tẩy trắng, lưu huỳnh… chúng tôi đều được chủ hàng “tiếp thị” nếu muốn có hàng thì cứ gọi điện, ở đây cái gì cũng có! Một chủ nhà hàng trên đường Lạc Trung cho chúng tôi biết: “1 tuýp màu thực phẩm có chất lượng nhập khẩu từ Nhật giá mấy trăm ngàn đồng, trong khi đó màu tổng hợp hoặc màu dùng trong xây dựng bán rẻ như… cho. Với siêu lợi nhuận, liệu người bán có sẵn lòng sử dụng màu thực phẩm có chất lượng tốt?”. Ngoài việc bày bán phụ gia thực phẩm độc hại, những người bán hàng còn cung cấp những loại gia vị và nước chấm cực rẻ như: Gia vị lẩu, bò kho, satế… in đầy chữ Trung Quốc, và đều không có nhãn mác, không hạn sử dụng giá 500đ/bịch, nước mắm giá 3.000đ/l, tương ớt và tương đen giá 5.000đ/kg.

   Các bác sĩ tại khoa Vệ sinh thực phẩm của Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội cũng cảnh báo: Với mắt thường rất khó để nhận biết đâu là thực phẩm dùng quá nhiều phụ gia hay chất bảo quản, nên chỉ có cách xét nghiệm tốn rất nhiều chi phí và thời gian mới phát hiện được. Mà ở nước ta hiện cũng chỉ đủ điều kiện kỹ thuật để phát hiện ra một vài loại phụ gia cơ bản như hàn the, phoóc môn…

   Cứ tình trạng này, xem ra người tiêu dùng nên tự mình trang bị những kiến thức cơ bản trong vệ sinh, an toàn thực phẩm để bảo vệ mình, hoặc là… nhịn xơi vậy!

//